Đến Thành Đô đừng quên ghé thăm công viên gấu trúc
Gấu trúc được xem là quốc bảo của Trung Quốc và được rất nhiều du khách yêu thích. Khu bảo tồn gấu trúc Thành Đô lớn nhất Trung Quốc có hơn 30% loại gấu trúc có nguy cơ tuyệt chủng cao của thế giới. Đây cũng là một trong những địa điểm quan trọng nhất trong việc bảo tồn gấu trúc ngày nay. Nếu có cơ hội ghé thăm Thành Đô, bạn có thể đến Cơ sở nghiên cứu và gây giống gấu trúc Thành Đô (Chengdu Research Base of Giant Panda Breeding) để tận mắt ngắm nhìn loài động vật đáng yêu này.
1. CƠ SỞ NGHIÊN CỨU VÀ GÂY GIỐNG GẤU TRÚC THÀNH ĐÔ
Gấu trúc khổng lồ là loài động vật chỉ sinh sống ở Tứ Xuyên, Thiểm Tây và Cam Túc, trong đó 70% được phân bố tại tỉnh Tứ Xuyên. Do đó khi đi du lịch Thành Đô, du khách thường không bỏ qua cơ hội được quan sát sinh vật hiếm gặp mà đáng yêu này.
Khu bảo tồn gấu trúc khổng lồ Thành Đô là nơi chăm sóc và bảo tồn phi lợi nhuận cho loài gấu trúc cùng nhiều loài động vật quý hiếm và đang có nguy cơ tuyệt chủng. Thường được gọi với cái tên đơn giản là công viên gấu trúc, khu bảo tồn nằm trên núi Futou, cách trung tâm thành phố Thành Đô khoảng 10 km. Công viên được thành lập năm 1987 với số lượng 6 con gấu trúc khổng lồ được giải cứu từ tự nhiên.
2. NGÔI NHÀ CHUNG CỦA LOÀI GẤU TRÚC
Tính đến năm 2008, công viên có đến 124 cá thể gấu trúc, số lượng cá thể nuôi nhốt đạt 83 con. Đây là ngôi nhà chung của loài gấu trúc khổng lồ, gấu trúc đỏ, cò cổ đen, cò trắng và hơn 20 loài động vật quý hiếm khác. Công viên có khu vực chứa thực phẩm, khu vực ngủ, một trạm y tế, một bảo tàng cùng với các phòng thí nghiệm nghiên cứu và một trung tâm đào tạo.
Riêng bảo tàng gấu trúc với diện tích 4.000 m2 được thành lập vào năm 1993, là nơi duy nhất trên thế giới chuyên tập trung vào những loài động vật quý hiếm đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Hiện nay, bảo tàng bao gồm 3 phòng triển lãm gồm phòng triển lãm gấu trúc, bướm và động vật có xương sống. Phía trước bảo tàng có rất nhiều tượng gấu trúc cho du khách chụp hình.
3. TẬN MẮT NGẮM NHÌN QUỐC BẢO TRUNG QUỐC
Du khách khi bước chân vào công viên 100 ha này sẽ được tận hưởng không khí trong lành, dưới những con đường rợp bóng tre, cây xanh, hoa trái. Phần lớn tre trúc tại đây được trồng làm nguồn thức ăn cho gấu, cũng như tạo dựng môi trường gần giống trong tự nhiên nhất để chúng làm quen trước khi được thả về cuộc sống hoang dã.
Khi mới được sinh ra, gấu trúc chỉ dài khoảng từ 15-17 cm và không có lông. Cho đến 9 tháng tuổi, gấu trúc con mới bắt đầu được bố mẹ tập cho ăn tre, trúc. Và 18 tháng tuổi chúng sẽ bắt đầu cuộc sống tự lập. Một con gấu trúc trưởng thành có thể cao hơn 1,5 m và có thể sống từ 20-30 năm, tùy theo điều kiện sống.
Thời gian lý tưởng nhất cho du khách ngắm nhìn những con gấu trúc khổng lồ trong ngày là buổi sáng, khi chúng hoạt bát nhất. Nếu thuận tiện thì bạn nên đến công viên trước 9h, bởi khoảng từ 9 đến 11h sáng là lúc nhân viên khu bảo tồn cho gấu trúc ăn.
4. CÁCH DI CHUYỂN ĐẾN CÔNG VIÊN GẤU TRÚC THÀNH ĐÔ
Công viên gấu trúc Thành Đô mở cửa 7h30 – 18h hàng ngày từ tháng 4 tới tháng 10, và 8h – 17h30 từ tháng 11 tới tháng 3 năm sau. Du khách tại Việt Nam có thể đón chuyến bay thẳng của Vietnam Airlines đi từ Hà Nội tới Thành Đô hết khoảng 2 tiếng. Sau đó, bắt xe buýt đưa đón sân bay tuyến số 1, xuống ga Sheng Ti Yu Guan (Sân vận động tỉnh Tứ Xuyên).
Tiếp theo, bạn đi tàu điện ngầm tuyến số 3 hoặc xe buýt số 99 đến ga Dong Wu Yuan. Từ đó, bắt xe buýt 198 hoặc 198A đến công viên. Ngoài ra, taxi từ trung tâm thành phố đến đây có giá khoảng 40 nhân dân tệ một chiều (hơn 140.000 đồng). Nếu chưa có kinh nghiệm đi tự túc, du khách có thể tham khảo đi những tour Thành Đô có điểm tham quan tại công viên gấu trúc.